Tản mạn về bài Ca dao mẹ của Trịnh Công Sơn. Tiên tri cho dân tộc Việt nam


Tản mạn về bài Ca dao mẹ của Trịnh Công Sơn. Tiên tri cho dân tộc Việt nam

30thang4

Lịch sử của một dân tộc hun đúc từ khí thiêng sông núi và con người trải qua hàng trăm hoặc hàng ngàn năm. Việt nam được xem như có chiều dài lịch sử 4000 năm vừa Huyền sử vừa Chính sử đã sản sinh những nhân vật kiệt xúât về Chính trị,Quân sự,Văn hóa…Có những nhân vật nhiều khi mất vài chục hay trăm năm mới được vinh danh vì triều đại đương thời kết án oan, tru di tam tộc hay vẫn xem là “ngụy”.Thí dụ:Nguyễn Trãi,QuangTrung,Trần Quang Diệu,Lê văn Duyệt v.v…

Lịch sử sẽ luôn phán xét công bằng qua thời gian:

Ta thấy tên ta những bảng đường

 Đời ta, sử chép cả ngàn chương (1)

Bài viết này không bàn đến Danh nhân lịch sử vì quá rộng. Tác giả chỉ muốn vinh danh riêng hai danh nhân văn hóa mà theo ý kiến cá nhân rất khâm phục và ngưỡng mộ  về tài năng xử dụng tiếng Việt (ký tự là chữ Nôm và chữ Quốc ngữ) đạt đến chỗ tuyệt diệu và phổ thông đến mức đa số người Việt ai cũng thuộc vài câu đó là Nguyễn Du…và nhân vật đương đại cũng chưa được vinh danh hòan tòan: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nguyễn Du về tài làm thơ xử dụng tiếng Việt chắc đa số ai cũng công nhận đó là người đưa tiếng Việt lên tuyệt đỉnh để diễn tả tất cả những gì mà ngôn ngữ Việt muốn thể hiện vừa bình dân vừa bác học, và tuyệt diệu hơn nữa là chuyển thể thành lục bát Truyện Kiều, một kỳ thư trong nền văn học nước ta có sức sống mấy trăm năm và hơn nữa.

Trịnh Công Sơn là hiện tượng lạ trong nền văn hóa Việt nam,ông xuất hiện trong cuộc nội chiến ý thức hệ tại Việt nam, nhạc ông  đơn giản giai điệu nhẹ nhàng rất hay,dễ hát nhưng không phải ai cũng hát hay và ca từ thì như thi ca rất diễm lệ,khó hiểu, và đầy tính Triết học về cõi nhân sinh…

Trịnh đã đưa ngôn từ tiếng Việt vào cõi thi ca siêu thực tuyệt hay nếu đó là nguyên bài,nhưng vẫn bình dân phổ biến nếu tách từng câu chữ trong một bài hát mà có lẽ trăm năm sau chưa có tác gỉa nào làm nỗi cũng giống như Truyện Kiều Nguyễn Du và đến nay nhạc Trịnh cũng đang tốn nhiều giấy mực để bàn luận,suy diễn…(2)

Trong các nhạc phẩm của ông, ngòai tình ca còn có ca khúc Da vàng nói về thân phận con người và dân tộc, ước mơ hòa bình thống nhất trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn, và một trong những bài nổi tiếng là Ca Dao Mẹ còn mang thông điệp tiên tri ứng nghiệm cho người Việt hải ngọai sau 1975 mà tôi cho rằng ngòai hồn thiêng văn hóa Việt qua bao triều đại trong đó có cả âm giai buồn bã “ma Hời báo oán”(Chiêm Thành) đã gởi gắm qua người “mặc khải”(revelation) là Trịnh Công Sơn.

Sau tháng 4.1975 có ai ngờ những câu này đã ứng nghiệm cho hàng triệu người vượt biển:

“Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh”

 và “Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người”

Chúng ta hình tượng chữ “lênh đênh” và “dòng sông”,”bấp bênh” chỉ có ở biển khơi hay ghe nhỏ ở các dòng sông đưa người ra biển trên những chiếc thuyền mong manh chờ tàu nước ngòai cứu vớt hay tấp vào trại tỵ nạn Mã lai,Nam dương,Thái lan,Hồng kông… được định cư là may mắn, còn không có thể lặng lẽ chìm giữa biển khơi vì đói khát, bão tố hay hải tặc cướp bóc hãm hiếp hung hãn ở biển Đông và giai đọan đó nổi tiếng cả thế giới và người Việt trong và ngòai nước – Thuyền nhân – Boat people.

Ai đã từng chia ly tháng 4.1975 và vượt biên sau đó mới thấy thấm thía câu này:

”Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng”.

Không có ai ra đi thời điểm đó mà không bàng hòang, bỏ hết cả tài sản công danh sự nghiệp, nhiều khi cả người yêu,người thân.. có những gia đình chia ly kẻ trước người sau, biết bao gia đình tan tác đỗ vỡ để “đưa con về trần tủi nhục chung thân”! Chữ “bàng hòang” Trịnh dùng rất tuyệt cho sự chia tay đột ngột và không mong muốn!

Các công chức và quân đội Sài gòn cũ, những “người lính già xa quê hương”(3) có bao giờ nghĩ một ngày nào đó trên đất khách quê người :

”Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong “.

Chúng ta thấy chữ  “lưu vong” rất hay, và thường dùng ở Hải ngọai sau này mà Trịnh Công Sơn đã viết Ca Dao mẹ từ năm 1965

Những người Việt di tản năm 75,HO,ODP… hay lao động xúât khẩu ở lại định cư sau sụp đổ Đông Âu,hay làm dâu xứ người Đài Loan,Hàn quốc… sinh con đẻ cái và thế hệ người Việt bây giờ khắp nơi trên thế giới từ Mỹ,Úc,Tây âu,Đông âu phải xử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai để “con chớ quên màu da”.

“Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương”

Đến nay đối với người trong nước xem như có “dân chủ gấp vạn lần tư sản”(4),phỏng vấn tận nhà góp ý Hiến pháp đa số đều đồng ý giữ điều 4 Hiến pháp… có thể vì “còn Đảng,còn mình”, “yêu chế độ thật sự” hay lo giữ sổ hưu (5),cũng có thể “sĩ khí rụt rè gà phải cáo”(6)  hoặc mua cái yên cho chắc? Nhưng một số nhân sĩ trí thức trong nước và nhất là người Việt Hải ngọai và “thế lực thù địch” cho rằng Việt nam chưa có dân chủ thật sự và các blogger hay người bất đồng chính kiến vẫn tiếp tục ứng nghiệm theo tiên tri của Trịnh:

 Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân ”

Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương.

Tuổi còn bơ vơ thế giới hằn thù chiến tranh ngục tù”

Gần mấy chục năm qua,giang sơn tuy đã thống nhất,và tự hào chiến thắng hai Đế quốc to, nhưng người ra đi và những người từng sống chế độ cũ nhìn lại quê hương vẫn chưa thể hàn gắn vết thương lòng của hai miền Nam Bắc :

 “Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn

Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn“

Giống như Đọan trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du, tiếng đau vẫn vang vọng đất trời khi đất nước vẫn còn chậm phát triển,giàu nghèo cách biệt,nạn tham nhũng hòanh hành đất nước như lời ru buồn của Trịnh:

“Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình”.

Nhưng Trịnh Công Sơn vẫn gieo cho chúng ta lời tiên tri tươi sáng:

 “Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn .

Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên”

Đó là lời tiên tri “sau cơn mưa trời lại sáng”,hay theo Kinh Dịch sau quẻ Thiên Địa Bỉ sẽ là quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân(7) và “sợi mềm hạt mầm vươn lên” là sự thay đổi mềm mại tự thân của đất nước,không bạo lực đổ máu đau thương, không “nội chiến từng ngày”. Tài năng và Trí tuệ của mọi người Việt khắp nơi trên thế giới đều chung sức xây dựng Việt nam thành một nước giàu mạnh,dân chủ,độc lập thực sự.

Ngày ấy sẽ đến như đa số ước mơ dân Việt!

 Lê Quang Thông

lequangmd@yahoo.com.vn

Tháng tư.2013

Chú thích:

(1)Ta thấy hình ta những miếu đền,trích thơ Mai Thảo.

(2)Thí dụ: Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ,Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu còn nhớ thương nhau,Làm sao em biết bia đá không đau.v.v..

(3)Người lính già xa quê hương,nhạc phẩm hay của Nhạc sĩ Nhật Ngân

(4)Phát biểu của Bà Nguyễn thị Doan,Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt nam

(5)Phát biểu Đại tá PGSTS Trần Quang Thanh ngày 19.12.2012 tại Hà nội

(6)Cái học nhà Nho,trích thơ Trần Kế Xương

(7)Kinh Dịch, một kỳ thư phương Đông khái quát Vũ trụ,Xã hội,Chính trị,Con người,Tâm sinh lý…gồm 64 quẻ. Quẻ thứ 12 Thiên Địa bỉ:bế tắc, sẽ tiếp đến quẻ thứ 13 Thiên Hỏa Đồng nhân: giao thông hòa hợp,trên dưới đồng tâm.

Bình luận về bài viết này