PHIẾM LUẬN VỀ HƯ TRÚC MỘT NHÂN VẬT TRONG THIÊN LONG BÁT BỘ CỦA KIM DUNG


 

Phiếm luận :  Hư Trúc – Một nhân vật trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung

Thiên Long Bát bộ được tác giả Kim Dung lấy tên dựa theo kinh Phật Đại Thừa. Trong đó gồm tám loài hữu tình trong thần thoại Phật giáo mà Thiên Long đứng đầu… Trước kia họ hung ác, sau được Phật chuyển hoá thành những thần vật hộ trì phật pháp.

Thiên Long Bát bộ của Kim Dung là tiểu thuyết võ hiệp nói về mối quan hệ giữa người và người, các môn võ công ám khí và các câu chuyện Tình yêu, lấy bối cảnh lịch sử Trung hoa thời Bắc Tống và nước Liêu còn hùng mạnh, chưa bị thôn tính bởi nước Kim và Mông Cổ.Trước 1975 còn gọi là Lục mạch Thần kiếm là câu chuyện của 3 nhân vật chính Đoàn Dự, Kiều Phong và Hư Trúc và rất nhiều nhân vật phụ xuyên suốt câu chuyện kết nối lẫn nhau với nhiều chi tiết ly kỳ hấp dẫn độc giả. Cho nên có thể xem Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc là tiền bối của các nhân vật như Đông Tà,Tây Độc,Bắc Cái,Nam Đế…Quách Tỉnh,Dương Quá,Trương Vô Kỵ…và theo Kim Dung cháu nội của Đoàn Dự là Đoàn Trí Hưng tức Nam Đế Đoàn Hoàng gia trong các bộ truyện Xạ Điêu tam khúc nổi tiếng của ông.

Đoàn Dự là Thái tử nước Đại lý, có máu du sơn ngoạn thuỷ, phiêu lưu giang hồ, cơ duyên kết bạn thâm giao với Kiều Phong và Hư Trúc nhờ tửu đấu …gặp nhiều mỹ nhân, nhiều  mối tình ngang trái trong đó có Vương Ngữ Yên, một  giai nhân tuyệt sắc thầm yêu và tháp tùng sư huynh Mộ Dung Phục, hậu duệ nước Yên đang tìm đường phục quốc, võ công Đoàn Dự rất kém,chủ yếu nhờ môn Lăng ba vi bộ, “tẩu vi thượng sách” khi địch truy đuổi., chàng rất si tình và cuối cùng  chiếm được trái tim của Vương Ngữ Yên và qua bao rắc rối về nhân thân hoàng tộc, chàng nối nghiệp họ Đoàn làm vua nước Đại lý .

Kiều Phong là bang chủ Cái Bang,võ công cao cường, hành hiệp quang minh chính đại, khi bị phát hiện không phải là người Hán mà là gốc người Khiết Đan(nước Liêu) – tiếng Anh là Cathay có nghĩa là Trung hoa, thời đó Châu âu tưởng rằng dân Trung hoa là tộc Khiết Đan – chàng rơi vào bi kịch phân biệt chủng tộc của võ lâm, buộc phải từ chức Bang chủ Cái bang và trở thành vương gia tướng nước Liêu, chàng chỉ yêu duy nhất nàng A Châu xinh đẹp, nhưng do nhầm lẫn ngộ sát người yêu, trải qua tình duyên đau khổ và các biến cố chàng phải tự sát tại biên giới Nhạn môn quan để ngăn cản binh đao giữa hai nước Tống-Liêu và bảo toàn khí tiết cùng đồng đạo võ lâm giữa Hán tộc và Khiết Đan.

Hư Trúc từ tiểu hoà thượng Thiếu lâm, cơ duyên trở thành cao thủ võ lâm,chưởng môn hai phái lớn là Tiêu Dao và Cung Linh Thứu,và là phò mã nước Tây Hạ…

Bài này chủ yếu viết về thân phận và sự thành công của nhân vật Hư Trúc.Hai nhân vật kia có dịp sẽ bàn sau.

Kim Dung đã xây dựng nhân vật Hư Trúc và có lẽ ông gởi gắm những triết lý bàng bạc muôn thuở của con người qua bao thăng trầm của cuộc sống mà khi nhìn lại quá khứ chúng ta mới càng thấy rõ những quy luật xã hội chi phối trong cuộc đời mà nhiều khi ta không cưỡng lại được, giống như ta bơi trên dòng sông, tuy vùng vẫy và thỉnh thoảng ghé những bến bờ nhưng tất cả đều chảy ra biển cả…ta nào có hay. “Mưu sự tại nhân,Thành sự tại Thiên”. Đó phải chăng là Định mệnh?

Bill Gates có câu danh ngôn nổi tiếng “Cuộc  sống vốn không công bằng ,hãy tập quen dần với điều đó.Sinh ra trong nghèo khó không phải lỗi của bạn,nhưng chết đi trong nghèo khó mới là lỗi của bạn”.

Hư Trúc mồ côi sinh ra không rõ lai lịch được nuôi dưỡng tại chùa Thiếu Lâm, cuối truyện chàng mới được biết mình là kết quả của mối tình oan nghiệt lén lút của cao tăng Huyền Từ, trụ trì chùa Thiếu Lâm nuôi dưỡng chàng bấy lâu và mẹ là một trong Tứ Ác Diệp Nhị Nương, bề ngoài chàng thuộc loại xấu trai, mũi hếch, võ công thấp kém dù bao năm sống tại Thiếu lâm. Chàng không có gì nổi bật nhưng đươc bản tính hiền lương thật thà, chính điều này đem lại suy nghĩ  cho Hư Trúc khi bức bí phải đánh liều một nước cờ Trân Lung kỳ trận của Vô Nhai Tử một cao thủ bỏ ra gần 50 năm mà chưa ai phá được, do trí óc thuần phác đơn giản chàng đi một nước mà những người có suy nghĩ khác không bao giờ đi đó là liều chết, không ngờ con cờ tự mình đi vào đường chết lại biến thành đường sống và Hư Trúc thắng ván cờ phá tan bao tâm huyết của Vô Nhai Tử và ông ta trút hết nội lực 70 năm và truyền chức chưởng môn phái Tiêu Dao cho Hư Trúc trước khi quy tiên.

Hư Trúc dù sinh ra bất hạnh,lý lịch không rõ ràng,ngoại hình không xuất sắc,nhưng suy nghĩ thuần phác,hành động theo bản năng,chàng đã bắt đầu thành công trên đường đời.

Vô Nhai tiên sinh quy tiên để lại nhẫn sắt là biểu tượng Chưởng môn nhân phái Tiêu Dao.Thiên Sơn Đồng Mỗ, chủ nhân Cung Linh Thứu là sư tỷ đồng môn đã thầm yêu sư đệ Vô Nhai thấy Hư Trúc là truyền nhân của người yêu cũ và nhận thấy sự thật thà và sẵn sàng cứu mạng bà ta khi lâm nguy, nên thu nhận chàng làm đệ tử, vừa chống lại sư muội Lý Thu Thuỷ, Hoàng phi của Quốc Vương Tây Hạ cũng thầm yêu Vô Nhai tiên sinh, hai bà này quyết đấu sinh tử vì ghen nhưng cuối cùng “lưỡng bại câu thương”, cả hai cùng chết để lại các tuyệt học võ công cho Hư Trúc trong đó có môn Sinh Tử Phù độc đáo.

Vật lý lượng tử hiện nay đã chứng minh Tính không Định xứ(non locality)hay Liên đới điện tử (quantum entanglement)và Tính không hiện hữu(nonrealism)của các hạt hạ nguyên tử là thực tại của thế giới vật chất (lý thuyết này đã giúp cho viễn thông nghe nhìn, internet,vi tính,smartphone,iphone,ipad…tiến như vũ bão trong thời đại chúng ta đang sống), nghĩa là không có thứ gì tách biệt với bất cứ thứ gì khác, tương tự Thuyết Duyên Khởi và Sắc Không của nhà Phật mọi ý thức, ý niệm hay vận động vật chất, một sự kiện cá nhân hay biến cố quốc gia xã hội đều có liên hệ với nhau… Duyên khởi trùng trùng điệp điệp…

Hư Trúc đã khiến một người đàn bà thất chí trong Tình trường nhưng không “quên đi tình yêu cũ”. Cái Tình và cái Duyên đó đã đưa đẩy Hư Trúc thành cao thủ võ lâm, nối nghiệp chủ nhân Cung Linh thứu dù chàng không mong muốn và ban đầu từ chối quyết liệt do định kiến là đệ tử Thiếu lâm không thể phạm giới.Trong cuộc truy sát của Lý Thu Thuỷ, bà và Hư Trúc trốn trong kho băng lạnh giá của hoàng cung nước Tây Hạ, bà này điểm huyệt bắt cóc công chúa Tây hạ về cho nằm bên nhau trong bóng tối. Lửa tí tí gần rơm còn cháy huống chi trai tân gái phơi phới xuân thì nằm bên nhau chuyện gì đến phải đến…dù không quen biết nhưng sau ba ngày Hư Trúc đã nghiện Tình dục trông ngóng cả ngày đợi mong…cả hai chỉ biết tên nhau là Mộng Lang và Mộng Cô khi xoắn xít bên nhau…

Bản năng Tình dục khiến Hư Trúc dù sẵn có “cốt tu” đành bó tay. Plato gọi con người là một động vật đi bằng hai chân và không có lông vũ”.Nên đôi khi lý trí  không kềm chế được chân thứ ba, cuộc sống của ta từ thưở biết yêu đến khi ra đi vào cõi Vĩnh hằng có bao giờ nghĩ lại những mối tình ngang trái ly biệt không hiểu do đâu… “chợt đến chợt đi anh vẫn biết”? Đối với những văn nghệ sĩ  từ những mối tình này họ đã thăng hoa và tạo nên những tác phẩm Tình yêu muôn hình muôn vẻ cho Văn học,Nghệ thuật?Đối với đại đa số chúng ta Tình yêu này sẽ là “niềm đau chôn dấu…hay có những niềm riêng làm sao nói hết!”

Tiếp theo những cuộc phiêu lưu, Hư Trúc đi theo Đoàn Dự đến Tây Hạ, Mộng Cô tức công chúa Tây Hạ nghiện Tình dục chẳng kém và đã yêu người giao hoan với mình say đắm, y học cho rằng khi ân ái endorphin tiết ra làm khoan khoái và si mê… Nàng  kén chồng để cố tìm lại Mộng Lang bằng 3 câu hỏi liên quan Tình dục  – nơi nào khoái lạc nhất – tên người ngươi yêu nhất – tả dung mạo người yêu – mà chỉ có ai là người trong cuộc mới trả lời được và Hư Trúc dù xấu trai, tóc mới mọc lởm chởm… vẫn trở thành Phò mã sau khi loại hàng loạt thí sinh trả lời không đúng trọng tâm.

Hội chứng Stokholm hay trong truyện Mối Tình màu hoa đào của Nguyễn Mạnh Côn yêu kẻ hiếp dâm hay như bài hát Duyên phận “thầy mẹ se duyên…biết trong Tình yêu như thế nào”, hay gần đây Bửu Ý viết về thế hệ sinh viên của ông với Trịnh Công Sơn tại Huế những năm 60 “cầm tay một thiếu nữ là chuyện không tưởng”, cho nên chuyện vợ chồng (xứ Huế phong kiến) thời đó đa số là cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cho nên đến với nhau bằng Tình dục trước,rồi Tình yêu và Tình nghĩa đến sau(cũng chỉ một chữ Love), nhưng vẫn sống bên nhau trọn đời răng long đầu bạc là chuyện không có gì lạ.

Sinh Tử Phù(Bùa Sống Chết) của Thiên Sơn Đồng Mỗ là một võ công vừa là ám khí bắt người khác quy phục, dùng chữ cấy Sinh Tử Phù là dễ hiểu, với nội công Bắc Minh Thần chưởng làm một ít nước trong lòng bàn tay biến thành lớp băng mỏng và hoà với độc tố bắn vào nhiều huyệt của đối phương làm sao lớp băng tan thấm vào huyệt qua da. Độc tố này vào người gây ngứa ngáy khó chịu, đau đớn không thể tả theo chu kỳ, người trúng độc phụ thuộc người cấy vi hành ban phát hoặc theo thời gian triều cống chầu chực khi sắp đến ngày phát tác, nên các thủ lĩnh 72 Đảo ,36 động gần xa Cung Linh Thứu phải thần phục Thiên Sơn Đồng Mỗ. Sau này Hư Trúc lấy ân báo oán hoá giải Sinh Tử phù khiến quần hùng Võ lâm cảm phục…

Đôc dược dùng trong đầu độc con người xưa nay nổi tiếng là Thạch tín(Arsenic) nhờ nó không mùi không vị và còn nhiều loại độc dược đặc biệt khác mà các nhà Thuật Giả kim điều chế đã ghi nhận trong sử sách.

Theo y học hiện đại chỉ cần liều một vài gram Polinium 210 có thể giết chết người khoẻ mạnh tuỳ thời gian mong muốn với Hội chứng rối loạn sinh tuỷ tương tự như cấy Sinh Tử phù. Chất này hiện chưa có máy phóng xạ chuyên dùng phát hiện, và dễ dàng lọt qua các khâu an ninh nên những cái chết của Tổng thống Palestine Yasser Arafat hay cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko chỉ phát hiện sau khi chết. Chất này không xuyên thấu qua da mà sau khi vào hệ tiêu hoá hay qua da vết thương hở, nó phóng thích chất đồng vị alpha bức xạ cao bắn phá các cơ quan suy tuỷ,tạo máu…nên phát hiện nó bị đầu độc như thế nào, thời điểm nào và có phải do nó là thủ phạm hay không là điều rất khó khăn. Hiện nay chỉ có vài nước trình độ cao như Mỹ, Anh, Nga, Pháp,Trung Quốc, Israeal mới sản xuất được chất này ở Trung tâm các lò hạt nhân hiện đại và rất tiếc chưa có thuốc điều trị.

Võ công Sinh Tử Phù khiến ta liên tưởng đến bàn cờ chính trị gần đây! Trung quốc đã cấy Sinh Tử phù nhiều nước nghèo Châu Phi,Nam Mỹ,Châu Á,Biển Đông… bằng các dự án kinh tế quân sự… để các quốc gia ấy phụ thuộc kinh tế và thần phục chính trị là điều đã và đang xảy ra.

Sinh Tử Phù trở thành một ẩn dụ sâu xa của Khống chế và Phụ thuộc giữa kẻ mạnh và kẻ yếu!

Lê Quang Thông

Đã đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay số 1022 ra ngày 1.1.2019